Thiết kế Richelieu (lớp thiết giáp hạm)

Đối với cả bốn chiếc trong lớp thiết giáp hạm Richelieu, các tiêu chí về trọng lượng choán nước, kích cỡ lườn tàu, vỏ giáp và hệ thống động lực đều tương tự như nhau; chúng chỉ khác nhau về cách bố trí dàn pháo chính trên chiếc cuối cùng, và đôi chút khác biệt về dàn pháo hạng hai cùng các thiết bị dành cho máy bay đối với mỗi chiếc.

Richelieu và Jean Bart

Sự bố trí tháp pháo bốn nòng đã được tiên đoán trước, với nòng pháo 340 mm, trong thiết kế của các lớp thiết giáp hạm NormandieLyon ngay trước Thế Chiến I. Trong những giới hạn do Hiệp ước Hải quân Washington năm 1922 đặt ra, việc lựa chọn tháp pháo bốn nòng hướng ra trước của lớp thiết giáp hạm Dunkerque có lợi thế tiết kiệm trọng lượng dành cho vỏ giáp của tháp pháo, so với cấu hình bốn tháp pháo nòng đôi, trong khi có cùng một sức mạnh hỏa lực. Toàn bộ dàn pháo chính đều bắn hướng ra phía trước, khi mà con tàu rút ngắn khoảng cách nhằm tiếp cận đối phương, ở một góc mà nó có tiết diện mục tiêu nhỏ nhất có thể có.

Đối với lớp Richelieu, cách bố trí dàn pháo chính như vậy lại được chọn sau khi cân nhắc các khả năng bố trí ba tháp pháo khác: một tháp pháo ba nòng và hai nòng đôi, hai tháp pháo ba nòng và một nòng đôi, một tháp pháo bốn nòng và hai nòng đôi, thậm chí ba tháp pháo ba nòng như trên lớp Nelson, tất cả đều được bố trí phía trước, nhưng đều dẫn đến một dàn pháo chính kém tập trung. Tuy nhiên, mọi cách sắp xếp ba tháp pháo đều dẫn đến việc vượt quá giới hạn tải trọng của Hiệp ước Washington hay một tốc độ tối đa kém hơn như trường hợp những chiếc lớp Nelson. Đến tháng 11 năm 1934, Phó Đô đốc Tổng tư lệnh Hải quân Pháp Durand-Viel lựa chọn cấu hình hai tháp pháo bốn nòng, và cỡ nòng pháo 380 mm được xem là cỡ pháo lớn nhất phù hợp với cách bố trí này.[25]

Khuyết điểm của cách bố trí này là một phát đạn pháo may mắn duy nhất bắn trúng tháp pháo cũng đủ để loại khỏi vòng chiến một nửa hỏa lực dàn pháo chính của con tàu. Vì vậy tháp pháo bốn nòng trên các lớp Dunkerque và Richelieu được phân chia bên trong nhằm cô lập sự hư hỏng.[26] Trên những tháp pháo bốn nòng của Pháp, bốn nòng pháo không được bố trí độc lập, vì sẽ đòi hỏi một bệ tháp pháo đường kính quá lớn; từng cặp nòng pháo bên phải và bên trái được bố trí chung trên một bệ có cùng góc nâng.[5] Cấu trúc này trên các thiết giáp hạm Pháp đã chứng minh được hiệu quả trong các hoạt động tại Mers-el-KébirToulon. Đây không phải là trường hợp các tháp pháo 14 inch bốn nòng trước và sau trên lớp thiết giáp hạm King George V của Anh Quốc, vốn được bố trí hoàn toàn độc lập với nhau. Hai nòng pháo cùng cặp được bố trí gần với nhau đến mức, một hiệu ứng sóng dội xảy ra khi bắn đồng thời đưa đến sự phân tán điểm rơi đạn pháo quá mức,[27] vốn chỉ được sửa chữa trên lớp Richelieu vào năm 1948.[28]

Đối với dàn pháo hạng hai, các kế hoạch ban đầu giữ lại cỡ nòng 130 mm trên năm tháp pháo bốn nòng, trên cùng một vị trí như của lớp Dunkerque, nhưng với hai tháp pháo bốn nòng bên mạn giữa tàu thay vì nòng đôi. Nhưng người ta nhanh chóng ý thức sự cần thiết phải tăng lên cỡ nòng 152 mm trên các tháp pháo ba nòng. Kế hoạch cũng dự định một dàn pháo phòng không hạng nhẹ 75 mm, nhưng lại bị hủy bỏ. Ngay vào lúc bắt đầu chiến tranh, tháng 11 năm 1939, ý tưởng về dàn pháo hạng nhẹ quay trở lại, với việc thay thế các tháp pháo 152 mm ba nòng bên mạn giữa tàu bằng ba tháp pháo 100 mm nòng đôi, vốn được tháo dỡ từ thiết giáp hạm Lorraine và từ một khẩu đội pháo phòng duyên gần Marseille.[29] Các tháp pháo 152 mm giữa tàu này thậm chí còn chưa được trang bị cho chiếc Jean Bart, tất cả được dự trữ nhằm trang bị cho những chiếc cuối cùng trong lớp là Clemenceau và Gascogne, nhưng điều này đã không được thực hiện.

Các thiết bị dành cho máy bay: hầm chứa, cần cẩu và hai máy phóng phục vụ cho bốn máy bay được trang bị phía đuôi của Richelieu. Khác biệt dễ thấy nhất so với lớp Dunkerque là bộ điều khiển hỏa lực phía sau của dàn pháo chính không được bố trí trên một tháp riêng biệt sau ống khói, nhưng trên một khối cột ăn-ten và ống khói kết hợp gọi là "mack" (từ kết hợp của "mast" - cột buồm và "stack" - ống khói), nhờ đó phần mở ra của ống khói đặt chéo ra phía sau bên dưới tháp chỉ huy.[30]

Clemenceau

Trên chiếc Clemenceau, cách sắp xếp dàn pháo chính cũng tương tự như của Richelieu và Jean Bart. Dàn pháo hạng hai dự định bao gồm bốn tháp pháo 152 mm ba nòng, gồm hai tháp pháo phía giữa hai bên mạn cấu trúc thượng tầng và hai tháp pháo bắn thượng tầng phía đuôi; nhưng các tháp pháo hai nên mạn giữa tàu, được thiết kế vào lúc con tàu được đặt hàng vào giữa năm 1938, có thể đã được tháo bỏ như đã quyết định đối với Richelieu và Jean Bart vào tháng 11 năm 1940 tiếp theo sau những kinh nghiệm ban đầu trong chiến tranh. Nhằm mục đích phòng không, sáu tháp pháo phòng không 100 mm nòng đôi được trang bị, hai chiếc mỗi bên ống khói phía sau và hai phía trước tháp chỉ huy.[31].

Các thiết bị dành cho máy bay được cho là có dự trù ở phía đuôi chiếc Clemenceau[23] nhưng các nguồn khác cho thấy không có thiết bị dành cho máy bay.[30][32]

Gascogne

Đặc tính khác biệt dễ thấy nhất của Gascogne là sự quay trở lại một dàn pháo chính truyền thống hơn với một tháp pháo phía đuôi; đưa đến sự dịch chuyển cấu trúc thượng tầng về phía trước đến gần ngay giữa tàu, không còn bị xem là quá lui về phía sau so với những chiếc lớp Richelieu ban đầu.[33] Dàn pháo hạng hai của Gascogne sẽ bao gồm ba tháp pháo 152 mm ba nòng trên cùng một trục giữa, hai chiếc ở vị trí bắn thượng tầng phía trước và một giữa ống khói và tháp pháo 380 mm phía sau; cùng tám khẩu đội phòng không 100 mm nòng đôi hai bên mạn tàu.

Trên những phác thảo thiết kế ban đầu của Gascogne, các thiết bị máy bay được dự định trang bị giữa tàu, giữa tháp phía trước và ống khói; nhưng việc bố trí bổ sung pháo phòng không 100 mm khiến phải dời chỗ chúng ra phía đuôi tàu, với một hầm chứa máy bay trong một hốc trên hầm tàu thứ nhất, cùng một thang nâng để đưa các thủy phi cơ lên sàn tàu.[31]